Đầu xuân uống trà cùng bạn
Đầu xuân uống trà cùng bạn là một bài thơ nhiều liên tưởng về thưởng trà và tình trà của nhà thơ Trần Đăng Khoa.
-
Bài thơ Đầu xuân uống trà cùng bạn của nhà thơ Trần Đăng Khoa
Đầu xuân uống trà cùng bạn
Nhấp chén trà thứ nhất
Da thịt bỗng tỏa hương
Đời thực thành cõi mộng
Trần gian hóa thiên đường
*
Ta nâng chén thứ hai
Cho đất trời tinh khiết
Tâm ta bừng sáng ra
Biết thêm điều chưa biết
*
Mai sau đời dẫu tuyệt
Chắc gì hơn lúc này
Nào nhâm nhi chén nữa
Hai đứa mình cùng bay
-
Cái hay, cái đẹp của bài thơ Đầu xuân uống trà cùng bạn
Trà chính là sản phẩm được chắt lọc từ bao gió sương qua bao sao tẩm để chưng cất tinh khiết cái tinh túy của đất trời. Nhà thơ Trần Đăng Khoa chọn thời điểm uống trà đầu xuân. Những tâm hồn đồng điệu gặp nhau ở thời khắc khá đặc biệt tạo ra không gian lý tưởng khi thưởng thức thú ẩm thực cao sang và đầy chất thiền định này: “Nhấp chén trà thứ nhất – Da thịt bỗng tỏa hương”.
Từ hương vị chè Thái Nguyên đến hương vị của da thịt là một phát hiện tinh tế, một vẻ đẹp phục sinh không nhuốm màu trần tục. Bởi hương vị đây là vị đậm đà của tình bạn, tình người. Một sự thoát tục đáng yêu:” Đời thực thành cõi mộng – Trần gian hóa thiên đường”.
Câu thơ đã chạm được tới cái lõi nhân bản lay thức hòa đồng, âu đó cũng là sự giải phóng bản thể nhất thời để con người được thăng hoa sáng tạo với những khát vọng hướng thiện.
“Ta nâng chén thứ hai – Cho đất trời tinh khiết”. Thường, chén chè ngon thứ hai là chén ngon nhất lúc đó:” Tâm ta sáng bừng ra – Biết thêm điều chưa biết” từ con người cá thể lan tỏa giao thoa với đất trời rộng lớn, chính hai chữ “tinh khiết” đã thanh lọc vũ trụ cũng như trà đã thanh lọc con người đến với chữ tâm trong giấy phút “bừng ngộ” này.
-
Mật ngôn của bài thơ Đầu xuân uống trà cùng bạn
Thì ra, uống trà không chỉ thỏa mãn thú ẩm thực mà còn là sự giao tiếp văn hóa giữa con người với con người, với thiên nhiên và cao hơn là với tâm linh nữa. Ở đây, đức tin trở thành mối đồng cảm phát hiện thêm những vẻ đẹp bí ẩn. Chữ “biết” có thể là tri thức cũng có thể là sự tìm đến chính mình để giải phóng những ẩn ức sâu kín phóng chiếu đến cõi tự do vô minh.
Chất triết lý giàu tính Phật giáo đốn “ngộ” đã lan tỏa và thẩm thấu. Hai con người hai tiểu vụ trũ cùng lúc hội ngộ để nhận ra: “Mai sau đời dẫu tuyệt – Chẳng gì hơn lúc này”. Cái bất chợt thảng thốt thật hiếm.
Cái ung dung tự tại, tự biết thanh cao lại càng hiếm hơn trong tốc độ sống chóng mặt hiện nay: “Nào nhâm nhi chén nữa – Hai đứa mình cùng…bay…”, tôi có cảm giác họ uống trà mà lại hứng khởi như đang say với men rượu nồng ngây ngất đầu xuân. Ai bảo trà lại không có men. Cái chất men này phải được hội ngộ được sàng lọc qua bao thử thách mới tìm được sự đồng điệu.
Nói chuyện uống chè Tân Cương cũng là nói chuyện cuộc đời ngỡ cứ như tưng tửng và nhiều chiêm nghiệm sống sâu sắc đời chưng cất cho thơ cũng như chưng cất cho trà vậy. Bài thơ ngắn qua các cung bậc cảm xúc đột biến như vị trà đậm ngọt ngấm dần giúp ta thêm yêu cuộc sống mà trà chính là hương vị đặc biệt, chất xúc tác đặc biệt.