Truyện ngắn Chén trà xuân thứ sáu

Chè Thái Nguyên Minh Cường trân trọng giới thiệu tới bạn đọc truyện ngắn Chén trà xuân thứ sáu của tác giả Phổ Sơn. Truyện ngắn hay viết về chè Thái Nguyên.

Truyện ngắn Chén trà xuân thứ sáu hấp dẫn người đọc ở một giọng kể rất riêng và cái kết mở gợi nhiều suy tưởng. Những triết lý nhẹ nhàng về đạo và đời, về sự lựa chọn và theo đuổi đam mê của mỗi người… được tác giả khéo léo gửi gắm qua chuyện đời của hai nhân vật chính – một người thầy giáo tâm huyết với nghề và một cô gái mù nhưng rất giỏi làm chè.

Thưa Tầy, nhờ những tháng ngày được tu tập nơi đây và sự gợi mở của Thầy, con đã thấy con đường thật sự con muốn đi. Ngay lúc này đây, con muốn bắt đầu hành trình của mình.

– Nghe hơi thở của con lúc này, ta rất mừng. Hơi thở này, ánh sáng từ lòng thương trong ánh mắt sẽ dắt con đi, hãy bước đi trên con đường chánh niệm. A di đà Phật!

Mình cứ nghĩ Sư Ông sẽ hỏi con đường mình sẽ đi, và mình đã muốn nói với Thầy về dự định sẽ đi ra Trường Sa. Mình sẽ bắt đầu từ quần đảo Trường Sa, để viết về tình yêu cuộc sống. Nhưng nụ cười của Sư Ông lúc này, sao giống nụ cười của Ngân trong buổi trà tối qua thế. Lúc mình thổ lộ về quyết định của mình, Ngân cời đống than hồng, dặn nhớ gọi điện và kể cho em nghe về những nơi mình đến. Mình nhận lời, nhưng ngay lúc ấy lại muốn ở lại sớm sớm phụ Ngân hái chè và làm trà. Và mình nói ra điều đó, thật ngớ ngẩn, nhưng thật lòng. Ngân cười bảo, bao giờ mỏi chân thì về hái chè cùng em, giờ hãy bắt đầu hành trình của anh đi.

Những vạt chè bên cổng chùa Guộc đã thức giấc, dồn sương thành giọt và treo lên những búp ngọc, bẫy nắng. Những tia nắng choai choai hăm hở đuổi theo chút bóng tối còn sót lại, ngã nhào vào lưới sương giăng sẵn, lấp la lấp lánh. Năm tháng trước, lần đầu tiên đến cổng chùa, mình còn tưởng những vạt chè là cây bụi mọc hoang dại. Năm tháng nữa, mình có nhận ra những búp chè đang đón nắng xuân như lúc này không nhỉ.

Rời khỏi chùa, mình quyết định chưa về nhà vội mà qua gặp Ngân, mặc kệ  tối qua đã chào em đến mấy lần liền.

Truyện ngắn Chén trà xuân thứ sáu

***

Ngân là nạn nhân của truyền thông. Mình đã từng nghĩ như thế. Từ bài viết trên diễn đàn Tôi-phượt về cô gái mù sao chè khiến khách Tây ngất xỉu, cánh viết lách đã cho ra hàng ngàn bài viết về em trên các trang báo mạng, mạng xã hội với những ngôn từ “không thể tin nổi”, “cổ tích xứ trà”, “nàng tiên núi Guộc”. Video Ngân vừa sao chè, vừa giới thiệu về nghề trà bằng ngoại ngữ trên Youtube đứng top đầu với hàng triệu lượt xem, chia sẻ. Và những nỗi đau của em cũng bị vạch lên vạch xuống, mổ qua rạch lại hàng trăm lần với ít thuốc tê của lòng thương hại hội đồng.

Nhưng cô gái này lạ thật. Sau tuần đầu tiên đến chùa Guộc thực tập, mình đã gặp Ngân hái chè gần cổng chùa. Đoán chắc em là nhân vật hot của mạng xã hội, mình mon men làm quen, quyết tìm ra sự thật mà mình đồ rằng chưa được một phần triệu so với những gì thiên hạ nói về em. Mình thật thà giới thiệu và sà ngay xuống luống trà. Vừa bứt được vài búp thì em đã bảo mình không biết hái chè. Sao em biết, mình hỏi lại. Em nghe thấy tiếng búp chè khóc, em trả lời. Mình bật cười nghĩ chắc em lại phán liều đây, những người không biết gì thường nói như họ biết rõ mồn một. Từ nhỏ mình đã phụ mẹ hái chè. Nhựa chè cáu đen mười đầu ngón tay, lâu dần thấm vào da như hình xăm màu than chì, không tài nào rửa sạch.

Anh bấm với bứt thô bạo thế thì làm sao ấm trà thơm được, em bảo. Mình giật mình, em khiếm thị thật hay giả vờ nhỉ. Thắc mắc của mình bị gạt sang một bên bởi cách hái chè điêu luyện mà mình chưa được thấy bao giờ. Những búp chè non tơ, lọt qua kẽ tay, đậu vào lòng bàn tay trước khi nằm ngoan ngoãn trong chiếc rổ tre xỉn màu. Tuyệt nhiên không có một tiếng động nào phát ra, ngoài hơi thở đều đều của em. Ngân bảo, nếu dùng móng tay bấm với bứt ngấu nghiến, búp trà đau đớn, khi hãm chỉ có vị chát với đắng. Còn nếu dùng kẽ giữa hai ngón tay ngắt nhẹ nhàng, búp chè vẫn ngủ yên trong êm ái, vị trà khi pha ngọt hậu ngân dài trong cổ họng. Còn thân chè nữa, tiễn con mình đi nhẹ nhàng, vui vẻ thì niềm hạnh phúc, ngọt ngào sẽ dồn tiếp cho những búp chè sau, vụ sau. Ngược lại, chia ly đau đớn sẽ làm thân chè u uất, già cỗi trong phút chốc.

Trong chiếc rổ tre, những búp chè vẫn ngỏng lên tươi cười đón nắng. Mình bỗng thành đứa trẻ, ngượng ngùng. Tự dưng thấy mến em, thề là mến thật sự. Rồi mình sung sướng tập hái chè theo cách em bảo, lóng ngóng, thích thú. Mặt trời lên bằng con sào, em chào mình ra về. Tay em vịn vào cầu cạn, bước đi an nhiên như thảm bay cổ tích. Em tới đâu là bầy chim ngói phải bỏ dở công cuộc tìm sâu, bay túa lên, hệt những cục bọt màu nâu tung tóe trên những con sóng chè biêng biếc. Cầu cạn được nối bằng các đoạn nứa khô, cao ngang thắt lưng, dẫn em từ đồi chè về căn nhà nhỏ, nằm ở dưới chân núi Guộc. Bên cạnh ngôi nhà nhỏ là dòng suối Chát, bắt nguồn từ đỉnh núi, chảy lòng vòng quanh những thung chè mãi mới chịu vắt ra sông.

Sau hôm đó, cứ thứ Sáu hằng tuần, kết thúc buổi nghe pháp thoại và vấn đáp với Sư Ông, mình lại xung phong qua nhà Ngân lấy trà về cho chùa dùng trong các buổi thiền trà. Thú thực, mình rất ngóng chờ ngày thứ Sáu. Mình biết, Ngân cũng vậy, vì em rất thích nghe mình kể về những lời giảng của Sư Ông. Còn mình thì thích nghe suy nghĩ của Ngân về mọi thứ, dù chuyện gì em cũng hay ví với cây chè. Thứ Sáu là điều duy nhất mình còn nghĩ đến.

Mình nhớ, trong buổi vấn đáp tuần thứ ba mình thực tập, mình đã hỏi Sư Ông làm thế nào để có được tình yêu nghề. Mình kể cho thầy nghe chuyện mình đau khổ thế nào khi bất lực nhìn đám học trò rơi vào bẫy học vấn phổ thông. Trước đó, đa số học sinh của mình thuộc diện chăm chỉ. Lớp phụ đạo miễn phí tại nhà mình hôm nào ít nhất cũng có hai chục đứa. Thế nhưng một năm sau khi công ty lắp ráp điện thoại mọc lên to đùng ở huyện, đám học trò không còn màng đến chuyện học. Bọn trẻ bảo nhau chỉ cần tốt nghiệp là vào công ty điện thoại làm, chẳng phải học hành làm gì cho mệt. Trong lớp dạy thêm của mình có cái Tâm, cái Phượng là hai đứa mình rất quý và luôn theo sát từng bước để chúng có thể thi đỗ vào ngành sư phạm. Khi lớp chỉ còn có hai đứa nó, căn phòng nhỏ dù gió lùa nhiều hơn, nhưng mình vẫn hi vọng. Thế mà đúng ba tuần sau, hai đứa đồng thanh mếu máo bảo: “Thầy ơi, tụi em sang học nhà thầy nốt hôm nay thôi. Bố mẹ em bảo tốt nghiệp rồi đi làm công nhân. Chứ có thi đỗ sư phạm cũng không có tiền học, học ra nhà em cũng không chạy nổi ba trăm triệu để xin việc.” Đó là hôm mình khóc rống lên, tay cầm cây dựa đốn đổ mấy cái cột của gian lớp học bên sườn đồi. Mình đốn cho đến khi thấy ngạt thở giữa đám lá cọ khô và cột kèo, chân bị thanh xà ngang chèn chết điếng.

Sư Ông bảo, theo như mình nhớ, nghề giáo là một nghề cao quý, chân chính và mình là một thầy giáo tốt. Mình nên tiếp tục giữ lòng yêu nghề và niềm hạnh phúc trong từng bài giảng, không để tâm rơi vào trạng thái đau khổ và tức giận đó. Để làm được điều này, cần thực hành chánh niệm, thở và bước đi trên con đường chánh niệm. Từ đó, tiếp tục cất lên những lời giảng về vẻ đẹp của trí tuệ, hiểu biết và lan tỏa nó đến với đám học trò.

Thú thực nghe Sư Ông răn dạy mình cũng hiểu, nhưng mình không làm nổi. Mình không muốn làm thầy giáo nữa. Mình kể cho Ngân nghe, giọng vẫn còn nguyên uất ức. Ngân uống hết chén trà nóng, bâng quơ hỏi, các em muốn học xong phổ thông thôi, thì sao mình không tiếp tục dạy chúng tiếp, ít ra để chúng có thể tốt nghiệp. Mình uống đánh ực hết chén trà, bảo rằng tốt nghiệp thì chả học hành thì cũng đỗ hết thôi. Thì đúng thế thật mà, kiểu gì rồi cánh giáo viên chúng mình chả cho đám học trò tốt nghiệp. Đám học trò mình dạy dỗ năm nào cũng có chừng ba mươi phần trăm đỗ đại học, cao đẳng, đây là điều mà chưa thầy giáo nào ở xứ nửa núi, nửa đồng này, ngoài mình, làm được. Ngân không hỏi gì nữa, nhưng mình tiếp tục huyên thuyên về mấy đứa học trò cưng đỗ đạt cao và chúng đều hay gọi điện cho mình.

Thực tập ở chùa đến tuần thứ bảy, có vẻ mình đã tĩnh tâm hơn. Nhưng chỉ những lúc nghe kinh, nghe pháp thoại và những bữa thiền trà, mình mới chạy trốn hoàn toàn khỏi những chiếc bóng đen đeo mặt nạ cũ rích. Chỉ trốn được những lúc ấy thôi. Nhiều đêm, mình thường giật thột khi mộng mị đến đoạn bất lực trong việc rút chân ra khỏi thanh xà ngang, trong khi đám người lao xao xung quanh, người xót xa, người cười khẩy, người vô cảm, người xăng xái xắn ống tay áo, người giơ smartphone chụp hình. Nhưng mình chờ mãi chẳng ai lao vào nâng cái khúc gỗ chết tiệt đang chẹn gãy chân mình cả. Có lúc, mộng mị thế nào lại thấy mình vừa bước vào lớp thì thấy đám học trò mặc đồng phục công nhân, mấy đứa hí hoáy vặn đinh ốc trên chiếc bảng, chớp mắt một cái, lại thấy mấy đứa vặn ốc vít đóng nắp quan tài sơn trắng với di ảnh nhòe nhòe màu áo đồng phục học sinh. Thú thật là mình thấy nhớ lũ học trò.

Thực ra, mình quyết định bỏ nghề không chỉ vì chuyện học trò. Trong buổi vấn đáp về sự tha thứ, mình đã không kể cho Sư Ông nghe chuyện mình căm thù tay giáo Hạnh cùng ban mình. Kẻ đã ăn cắp đề tài nghiên cứu khoa học về văn học dân gian Tày của mình. Mình nghĩ mình không thể tha thứ hai lần được. Ngay khi biết anh ta ăn cắp, mình đã yêu cầu xin lỗi trước mặt tập thể ban chuyên môn và hủy bỏ đề tài. Anh ta một mặt nhận lỗi, một mặt lại thuê giáo sư dưới thủ đô phát triển tiếp đề tài nghiên cứu này. Thật buồn cười là đề tài đó đạt xuất sắc lúc bảo vệ. Đề tài của mình đành vứt xó. Mình không thích là mình lúc này, giữa những con người giả dối đến điềm nhiên. Mình có kể cho Ngân nghe chuyện này, không nhớ em có hỏi nhiều không, nhưng hôm đó mình bổ được đống củi to, đủ cho mẹ con em sao sấy, lên hương chè cả tuần.

Một sáng thứ Sáu, mình nhớ là hôm ấy đang dịp rét nhất của năm, khi Sư Ông giảng về tình cảm gia đình, mình thấy rất nhớ mẹ. Mình chỉ nói quyết định buông bỏ mọi thứ, lên chùa tu tập cho mẹ biết vào buổi tối hôm trước khi mình ra đi. Mình thông báo ngay lúc mẹ vừa dặn cuối tuần cùng mẹ sang nhà người bạn ở xã bên, có cô con gái kém mình bốn tuổi, để hai đứa làm quen. Mình nhớ đầu tiên mẹ còn cho là mình bông đùa, và mẹ tranh thủ lăng xê cô con gái bạn như chính con gái của mẹ vậy. Lúc mình đưa mẹ xem quyết định nghỉ việc, và với một giọng nghiêm nghị nhất có thể, mình nhắc lại quyết định lên chùa. Mặt mẹ đang cười đột ngột thần ra rồi tái bợt như lá chè tươi gặp lửa đỏ. Mình khẳng định lại lần thứ ba, nhấn mạnh rằng đó là lựa chọn tốt nhất, hoặc cái chết. Mẹ chửi. Mẹ khóc. Mẹ thắp hương gọi bố, gọi ông bà. Đến lượt mình ngồi im như người máy, chốc chốc cất lên một câu đã được lập trình sẵn: con phải lên chùa, con muốn là chính mình, mẹ để con lên chùa. Mẹ van vỉ. Mẹ gọi xốc vợ chồng chị cả sang. Nhưng hai vợ chồng chị đang mê mải dưới thủ đô, giả người dân tộc mang mấy thứ rễ cây đi lừa tiền thiên hạ. Chỉ còn hai đứa nhỏ ở trong ngôi nhà to vật ở xóm củ lừa. Mẹ gọi điện cho Thanh, nhưng không ai bắt máy. Sao mẹ nghĩ Thanh có thể làm điều gì đó cho mẹ lúc này, khi cô ấy đã rời bỏ mình để cưới thằng con nhà lãnh đạo ngân hàng chỉ vì được nhà ấy xin vào dạy học ở trường tỉnh. Mẹ lại chửi rủa. Mẹ lại van vỉ. Đến khi giọng khản đặc, mẹ thiếp đi. Lúc ấy khoảng bốn giờ sáng. Bốn rưỡi thì mình ra khỏi nhà. Mình ân hận vì nói ra cho mẹ biết. Giá như mình cứ vào chùa rồi viết thư về thì có lẽ tốt hơn. Đôi khi, dù chẳng thuộc đám hư hỏng, mình vẫn làm mẹ đau khổ một cách đến tàn nhẫn.

(Truyện ngắn Chén trà xuân thứ Sáu đoạn nói về tình yêu)

Có buổi chiều thứ Sáu, trời chuẩn bị vào xuân, mình phụ Ngân dọn cỏ cho chè. Mình kể lại cho em nghe bài pháp thoại của Sư Ông về tình yêu ban sáng. Mình buột miệng hỏi, em có hận thằng cha kia nhiều không. Thú thực mình ghét cay ghét đắng loại đàn ông vô trách nhiệm ấy. Một tay sinh viên, không biết tiếng sáo của hắn hay đến nỗi nào mà em đã bị mê mẩn trong lần nhóm của hắn lên đây tình nguyện. Sau đêm trăng chết tiệt bên vườn chè, hắn làm em có bầu. Rồi hắn biệt tăm cá, dẫu trong mấy ngày ngắn ngủi, hắn đã hứa hẹn với em đủ điều.

Ngân kể, lúc bé Nấm bị lũ suối Chát cuốn đi đúng ngày chuẩn bị sinh nhật hai tuổi, em hận hắn vô cùng. Giữa dòng nước oàm oạp hung dữ, em cào cấu, sặc sụa gọi tên con, tên hắn cho đến khi không còn biết gì nữa. May mà bác Hoàn hàng xóm kịp thời kéo em ra khỏi bụng suối. Nhưng giờ thì không còn hận hay căm gì cả. Mình cảm thấy giọng Ngân thản nhiên, không trầm buồn như giọng con người ta lúc ôn nghèo kể khổ. Cả những khoảnh khắc con tim em bị tiếng sáo của tay sinh viên kia dắt lối hay những lúc bi bô cùng bé Nấm, mình cố gắng lắm cũng không thấy được sự thay đổi trong cái cách em kể chuyện. Ngân bảo, em đã được chè dạy cách sống như chè mỗi ngày. Câu chuyện bị cắt ngang bởi đám trẻ trâu từ đỉnh đồi chạy xuống, đồng thanh hát ca dao:

Hôm qua lên núi hái chè
Gặp thằng phải gió nó đè em ra
Em lạy mà nó chẳng tha
Nó đem đút cái mả cha nó vào
Bấy giờ em biết làm sao?
Nếu em càng giẩy nó vào thêm sâu
Cái gì như thể củ nâu
Cái gì như cái cần câu vật vờ

Mình thấy Ngân cười mỉm, đám nhỏ hát xong cười vang như ngọc rơi, thoắt lại chạy biến vào những vạt chè xanh. Chẳng biết nhà thơ dân gian dân dã nào đã viết những câu thơ đỏng đảnh này. Mình nghĩ chắc Ngân sẽ tủi thân lắm. Thằng sinh viên phải gió làm em khổ một, thì nó cũng đồng thời làm cho mẹ em khổ mười. Cả đời bà mang tiếng chửa hoang, cắn răng nuôi con, khiếm khuyết của đứa con gái trở thành cơn cớ cho nhiều ví von, riếc rủa. Và giờ đây, đứa con ấy lại chửa hoang. Sau chuyện em có bầu, bà từ người lành hóa câm, đôi mắt quầng thâm màu nhựa chè. Nhiều lúc mình tìm cách hỏi chuyện, đang nói dở câu bà lại dừng lại, mặt ngây ra hệt như trẻ con lúc tập nói không nhớ từ. Trong tình cảnh ấy, nghe bài hát của đám trẻ kia, chắc mình sẽ nổi điên lên mất. Nhưng chẳng thấy em có biểu hiện nào. Hoặc là em rất giỏi nén giấu cảm giác của mình, hoặc em bị đứt dây thần kinh tủi hổ chăng, mình thật không thể hiểu nổi.

Mang chè về cho chùa, nụ cười an nhiên của Ngân cứ làm mình thắc mắc. Chè đã dạy em bài học gì nhỉ. Bất hạnh nhường ấy, đau thương nhường ấy không đánh đu nổi một tiếng thở buồn, dù rất nhẹ, nơi em. Mình thèm được nói chuyện với Ngân quá. Buổi tối, mình định trốn chùa xuống nhà Ngân nhưng bất thành bởi đến lượt mình chia sẻ con đường đến với Phật tại bữa thiền trà. Sau khi mọi người cùng đọc kệ uống trà, mình đã kể cho mọi người nghe, một cách lộn xộn, căn nguyên mình đến với cửa chùa, dưới chân Phật. Mọi người vừa uống trà, ăn bánh, vừa trao đổi về con đường của mình. Mình cố gắng lắng nghe chăm chú, nhưng tâm trí cứ bị chen ngang bởi nụ cười dịu dàng quá đỗi của Ngân. Rốt cuộc, cả bữa trà đó, mình chỉ nhớ có ai đó bảo rằng cửa chùa không phải là nơi để cho cái tôi ích kỷ trốn đời mà là nơi của sự thấu hiểu và yêu thương người khác. Mấy đêm liền mình day dứt, ngẫm ngợi về điều này.

Một tuần sau đó, hẳn nhiên là một thứ Sáu, vừa dùng bữa tối xong mình đã vượt tường chùa trốn xuống nhà Ngân. Gặp lúc em đang lấy hương mẻ chè xuân cho khách. Mình thay mẹ phụ em bỏ thêm than củi vào bếp và đóng gói chè sau lấy hương. Giữa ranh giới chập chờn sáng tối của bếp than hồng, khuôn mặt con gái bao giờ cũng đẹp. Em bảo, việc không nhìn thấy hóa ra lại giúp em có thể tập trung toàn bộ cảm giác tinh tế ở đôi bàn tay trong điều chỉnh độ nóng tôn quay, cảm nhận khoảnh khắc những cánh chè tới điểm chín của hương vị, tuyết trà chảy mịn. Cái điểm mà chỉ quá một chút thôi là hương chè sẽ khét, mà non một chút thôi thì vị cũng kém đi mấy phần.

Ngoài trời, mưa lây phây như cố giẩy hết chút lạnh giá cuối cùng trong túi áo Giời ra bốn xung quanh. Không hiểu sao trong không gian này, mình lại lôi tuồn tuột mớ bòng bong trong lòng mình kể cho Ngân nghe. Cả chuyện từ khi lên chùa, những cơn mộng mị vẫn cứ hành hạ mình lẫn những day dứt của mình cả tuần vừa qua.

Mình đưa chén trà xuân vừa hãm lên ngang mũi, mùi hương ngầy ngậy như mật ong rừng lan tỏa. Hà hít thứ hương ấy, hệt như hơi thở thiếu nữ tuổi mười bảy, phải đúng hơi thở tuổi mười bảy lần đầu ghé sát mặt người yêu. Thứ hương phong kín lạ lùng. Đưa chén trà vào miệng, một vị chát êm nhẹ nhàng nơi đầu lưỡi. Ai đó vội vàng, có thể chép miệng cũng không bị cho là vô duyên. Còn không, hít thở đều mấy nhịp, chợt thấy thanh tân trong mình nở ra, với vị ngọt lan lan nơi cuống họng. Những tươi mới dịu dàng gõ cửa.

Ngân bảo, anh đã thực sự uống trà. Nhiều người vừa nâng chén trà lên, ý nghĩ đã chờ trực để phán xem có hương cốm hay không, có ngọt hậu hay không. Ấy không phải là uống trà, mà đang uống ký ức về trà. Và khi không thấy được hương cốm, người ta vội thất vọng và than phiền về chất lượng trà. Em nghĩ rằng sống cũng như khi ta uống trà, và em giữ một sự hồn nhiên để đón nhận mọi thứ.

Hai đứa uống chén trà thứ hai. Ngân bảo, bật mí cho anh nhé, những cây chè xanh tốt mỗi ngày, bất kể đất màu hay hốc đá, nhưng tuyệt nhiên chúng không có mục đích gì cả.

Hóa ra, lâu nay mình cứ mải chạy theo mục đích của mình, rằng phải có nhiều trò giỏi đỗ đạt. Chúng đỗ đạt rồi, mình lại muốn thêm nhiều đứa đỗ đạt cao nữa. Cứ mãi thế sẽ đến đâu, để khi không đạt mục đích, mình rơi vào sự đau khổ. Mình cứ nghĩ mình phấn đầu hết mình vì học sinh, nhưng dường như không phải.

Uống xong chén trà thứ ba, Ngân bảo, anh có thấy không, những ngọn chè đang hát, dẫu trong giá lạnh.

Giờ mình đã hiểu tại sao Ngân vẫn mỉm cười sau mọi chuyện. Tại sao mình càng trốn chạy thì những nỗi đau vẫn cứ bủa vây, cả trong giấc mơ. Như những búp chè, em lặng lẽ ngắm nhìn mọi đớn đau, bất hạnh của cuộc đời cho đến khi chúng tan thành hương trà ngan ngát.

Mình uống chén trà thứ tư, nghe như tiếng búp chè mách bảo, này Mạnh, không mong cầu sẽ không sợ hãi.

Uống xong chén trà thứ năm, tự dưng mình mỉm cười nhẹ nhõm quá! Mình hỏi Ngân, nếu sống không mục đích, không nỗ lực thì ta sẽ là gì, ta sẽ làm được gì?

Ngân bảo, anh nhìn xem, chẳng phải cả vạt chè vẫn cứ xanh, vẫn cứ hát ca mỗi ngày kia sao. Cây chè không có hoài bão gì nhưng rễ cây vẫn bền bỉ kiếm tìm dinh dưỡng và nguồn nước. Để có thể sao chè như anh thấy, em đã phải rèn luyện rất nhiều, đôi tay đã bị bỏng cả ngàn lần. Đó là kỹ năng, năng lực để anh em mình tồn tại. Có phải tâm trí anh chứa đầy nỗ lực, quyết tâm và những hoài bão, nó có lúc làm anh sướng vui nhưng cũng lại khiến anh đau khổ suốt những năm qua để giờ đây anh phải vào chùa? Em nghĩ, sống đam mê, chỉ duy nhất đam mê thôi, nó sẽ dẫn dắt anh đến với tự do mà anh đang tìm kiếm.

Mình định uống chén trà thứ sáu nhưng mẹ em nhắc trời đã khuya rồi. Mình thấy phía trong hai quầng mắt thâm màu nhựa trà, ánh mắt bà trẻ trung như tuổi hai mươi bốn của Ngân.

nguồn: Văn nghệ Thái nguyên

0/5 (0 Reviews)

Related posts

Call Now Button