Tiếng trà pum púp
Tiếng trà pum púp trong trong lòng những người dân xứ Thái.
-
Cụ quấn mảnh giấy thành hình cái phễu, rồi bỏ một ít chè Thái Nguyên vào trong đó, đủ để chật kín lòng bông sen. Hương sen chảy ra, thơm nhẹ người. Rồi cụ lại nhẹ nhàng lật từng cánh sen lại, ôm kín những cánh trà bên trong.
Ông buột miệng bảo: Dân mình ác một cách ngây thơ. Bác cả cười khẩy, bảo: Cả làng nó thế, thiên hạ có thấy ai chết đâu! Tử tế như chú, đói khát có ai thương không. Ông tưởng như có mớ tóc rối trong ngụm nước trà, nó mắc ngay cuống họng, làm ông sặc. Cả xóm ông có ba hộ đăng ký trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau hơn một năm, hai hộ kia đã trở lại canh tác theo lối truyền thống. Nào phân vô cơ, nào thuốc trừ sâu, thuốc trị bệnh, phun rắc ngẫu hứng. Làm theo kiểu VietGAP chi phí lớn lắm, đến khi thu hoạch, một sào chè nhà người ta được mười thì nhà mình chỉ bảy, tám. Lúc bán thì giá cào bằng như nhau. Ai cũng bảo chè nhà mình sạch, biết tin ai. Từ ngày chuyển sang làm chè theo mô hình mới, số nợ ngân hàng của nhà ông đã đội lên hơn năm chục triệu. Nếu ông cứ nhắm mắt làm liều như người làng, thì vợ con ông hẳn sẽ sung sướng hơn bây giờ. Giá còn mẹ, ông sẽ bảo với mẹ: Mẹ ơi, sống hẳn hoi khó lắm. Nhưng mẹ ông đã nằm sâu dưới ba tấc đất rồi.
Nhấp chén chè thái nguyên thơm, ông chuyển câu chuyện: Cháu Lợi nó bảo bác đang muốn chuyển mộ mẹ về bãi Giữa, cụ thể thế nào?
Bác cả đăm chiêu, uống cạn chén trà trong tay, bảo: Vợ chồng thằng lớn nhà tôi lấy nhau bảy năm mà vẫn chưa có con, thuốc thang chẳng ăn thua. Chúng nó đi xem, thầy phán ngôi mả của mẹ nằm ở vị trí xấu, phải chuyển. Tôi còn đang suy nghĩ, con người ta sống về mồ về mả. Ông bảo: Di chuyển mồ mả là chuyện lớn, bác phải tính kỹ, vạn bất đắc dĩ thì mới phải chuyển. Còn sống, mẹ thích hóng gió bên đầm, giờ về bãi Giữa, liệu mẹ có ưng không.
Hai người đàn ông uống hết tuần trà thì cũng đến giờ cơm. Mâm cơm bày giữa gian nhà chính, có món canh cá rô đồng nấu rau cải và hai bát cà pháo muối. Dâu trưởng nhà bác cả vừa xới cơm vừa bảo: Bố cháu dặn phải tìm mua bằng được cá rô đồng về nấu canh đãi chú đấy. Ông Thuận cười bảo: Ngày trước, bố cháu và chú ngày nào cũng đi đặt lờ bẫy cá rô ngoài đầm Cả. Còn ma bà, bà nấu canh cá rô ngon hết sảy. Dâu trưởng chuyển bát cà pháo về phía ông Thuận, bảo: Cà muối vừa đến độ, giòn lắm chú à. Ông Thuận hỏi: Bơm kích thích mà quả không được to nhỉ? Dâu trưởng toe toét, bảo: Cà sạch đấy chú, nhà cháu để riêng một luống gia đình ăn, không bơm thuốc chú ạ. Ông ậm ừ rồi nhá miếng cà trong miệng, đắng ngắt. Lòng thương với riêng gia đình của mình thôi, thản nhiên gieo tật bệnh cho người dưng thì có phải lòng thương không. Hẳn hoi một nửa thì có phải là hẳn hoi không. Con dâu bác cả như thế. Anh nuôi gà xóm bên như thế. Lão bốc thuốc trên phố như thế. Gã làm kem dưỡng da như thế. Nhưng có ai quan tâm làm gì. Cả làng nó thế thật sao. Miếng cà mửa khỏi miệng ông. Môi ông dập máu.
Ông Thuận là bộ đội pháo binh phục viên, lấy vợ và sinh sống gần đơn vị, thuộc xóm Mu Rùa, cách quê ông ngót trăm cây số. Ông có ba người con, con gái đầu, còn lại hai trai, học hết cấp hai đều nghỉ phụ bố mẹ làm chè. Vì nhiều lý do, một năm ông chỉ về quê đôi ba lần, nhằm dịp giỗ tết, hiếu hỷ. Đợt này, tự dưng vợ con ông động viên ông trở về thăm quê, tiện bàn chuyện chuyển nhà cho các cụ. (Tiếng trà pum púp tiếp).
Buổi chiều, ông ra thắp hương cho mẹ. Con đường ra bãi tha ma đã được bê tông hóa. Gốc xà cừ hình chiếc nỏ vẫn còn đó, xù xì và lì lợm. Chợt ung ung bên tai tiếng mấy con quay xoay tít của ông và đám bạn thuở đầu trần lội đầm kéo tôm nơm cá. Đầm Cả, chảy dài từ xã trên xuống, ôm sát bãi tha ma, mỗi mùa hạ về lại hồng rực màu sen. Kia rồi. Chị Nết, chị Vân từ đầm sen lội ra. Nước từ mấy bông sen và quần áo các chị nhỏ xuống dòng dòng. Ông và lũ trẻ hò nhau chạy theo vờ cướp sen của các chị, cốt là để ngắm bầu ngực tròn căng hằn lên lượt áo ướt. Một lát, om sòm tranh cãi nhau xem các chị mặc coóc- xê màu gì. Mùi nước khăm khẳm sộc vào mũi giật ông về với thực tại. Đầm không còn sen. Nước đen, sủi tăm, tôm cá cũng trốn tiệt. Ông biết rõ cơn cớ của màu nước, từ ngày làng Ngọc Tô chuyển sang làm bánh bún, cung cấp cho cả thành phố giáp ranh.
Ông châm hương. Hương nhang trộn lẫn mùi đầm thành thứ mùi khinh khỉnh, thốc tháo. Còn ma mẹ ông, có lần ông hỏi: Sen làng mình đẹp nhất phải không mẹ? Mẹ ông bảo: Mải cấy mải cầy, mẹ cũng không biết nữa. Mai này các con khôn lớn, thảnh thơi, mẹ sẽ cho con biết. Ông bảo: Con cho mẹ nợ đấy. Thế rồi ông đi bộ đội. Thế rồi mẹ ông cảm nặng, qua đời. Ngày sang cát, gia đình đặt mộ mẹ cạnh đầm sen. Không biết, khi bông sen cuối cùng nở trên đầm, mẹ đã kịp thảnh thơi ngắm sen làng mình đẹp như thế nào chưa.
Cụ có cái thú uống trà ướp sen
Lúc nhỏ, cứ chiều tối ông lại theo cụ ra đầm sen. Tác hợp cho đôi uyên ương sen và trà. Cụ thường bảo thế. Chọn bông sen to nhất, cụ lật từng cánh sen ra. Sen đầm Cả là loại sen trăm cánh. Tay cụ nhẹ nhàng như lật một cái gì mỏng lắm. Từng cánh một. Cho đến khi lộ đài sen vàng như nhân đậu xanh làm bánh trưng dịp tết. Cụ quấn mảnh giấy thành hình cái phễu, rồi bỏ một ít trà khô vào trong đó, đủ để chật kín lòng bông sen. Hương sen chảy ra, thơm nhẹ người. Rồi cụ lại nhẹ nhàng lật từng cánh sen lại, ôm kín những cánh trà bên trong. Xong đâu đấy, cụ lấy sợi rơm vàng, buộc vào cuống bông sen, đánh dấu. Bông sen sau khi ôm ấp trà vào lòng, ngật ngừ ngồ ngộ. Cụ thường vuốt râu, nói với bông sen: Cứ từ từ thôi, có cả một đêm tân hôn để mặn nồng cơ mà. Đến khi mặt trời hết dầu để cháy, như cách nói của cụ, đã có ba bông sen được buộc rơm vàng.
Sáng sớm hôm sau, cụ ra đầm cắt những bông sen ướp trà về. Sau một đêm gần gũi vấn vít, hương sen đã quấn chặt cánh trà. Cụ bảo, như gái phải hơi trai, giờ đây hương sen đã rời bỏ đài sen để xoắn quyện vào trà. Nhắc cháu đi đặt ấm nước, cụ bắt đầu lật từng cánh sen ra. Nhẹ nhàng, thong thả. Mỗi bông sen vừa đúng một ấm trà. Ông nhớ như in từng cử chỉ pha trà của cụ. Nước sôi, cụ bắt đầu tráng ấm. Tiếng những cánh trà đầu tiên rơi vào đáy ấm roong roong. Tráng trà. Chế nước sôi, đậy nắp. Rồi cụ bắt đầu lấy quyển truyện Kiều ra, lật giở trang bất kỳ rồi ngâm. Ngất ngưởng. Hết trang Kiều cũng là lúc ấm trà đã ngấm. Cụ rót cả ấm trà ra chiếc chén tống, rồi rót ra một chiếc chén con như hạt mít. Ông thắc mắc, cụ bảo, với trà sen, nếu cứ để trong ấm, trà sẽ bị nồng, hỏng vị. Cụ hà hít chén trà năm bảy nhịp để tận hưởng hương thơm rồi mới đưa lên miệng. Hương của đất trời, cụ thường bảo thế. Chính thói quen uống trà sen của cụ đã khiến ông mê trà, làm rể xứ trà.
Ở chơi nhà bác cả thêm một ngày, ông đánh điện cho cậu con út xuống đón. Vợ con ông bảo ông ở chơi với các bác thêm vài ngày nữa. Cảm thấy nóng ruột, sáng sớm hôm sau, ông bắt xe khách về. Vừa đến đầu dốc, ông đã thấy chiếc xe du lịch đậu ở chân đồi. Bên những vạt chè, mấy cô cậu trẻ tóc hoe vàng đang tạo dáng chụp hình với gùi nứa, nón lá. Phía trong xưởng, một số vị khách chăm chú theo dõi các con ông nổi lửa, bắc chảo lấy hương chè. Vài người gật gù thưởng trà bên bộ trà cụ phía đầu xưởng. Vợ ông vừa đóng gói vừa thao thao bất tuyệt về cách chế biến trà. Bài nói mà bà đã thuộc như hát ru, kể từ khi xưởng chè nhà bà được các công ty lữ hành chọn làm điểm tham quan cho khách nước ngoài. Thấy ông, nét mặt tươi cười của bà bỗng chốc co lại, rũ như búp chè tươi gặp hơi lửa. Như nhận ra điều gì, ông hắng lên một tiếng rồi lao thẳng ra đồi Nón. Cả đồi chè trụi búp. Trước khi ông về quê, nó còn bắt đầu tua tủa búp sau đợt sâu bệnh.
Ông trở lại xưởng, mắt ông vằn đỏ. Hai người con nhìn ông, im lặng chờ đợi. Ông vung tay, một cú tát như trời giáng làm anh con thứ khụy xuống. Khốn nạn. Ông chửi. Ông tát anh con út, cú tát hằn rõ ba đầu ngón tay trên má. Thất đức. Ông chửi tiếp. Rồi ông rút đống củi đang đượm lửa ra góc sân. Các vị khách xì xà xì xồ, ngơ ngác. Riêng gã trai tóc đuôi ngựa, hết bò lại nằm, xoành xoạch bấm máy. Ông đổ hết mấy bao chè vào đống lửa. Vợ ông nhoài người túm lấy bao chè, nức nở: Tôi xin ông… tôi xin ông… nợ ngân hàng… Ông quắc mắt: Tôi đã bảo rồi, không thể thất đức như thế được. Mùi chè cháy vừa ngầy ngậy vừa khét đắng. Những cánh trà móc câu bén lửa, đỏ như vết cứa, pum púp đuổi nhau ngang lưng trời.
Đan hai bàn tay vào nhau chắp trước ngực, ông nói với các vị khách, rành rọt từng tiếng một: Xin các ông các bà thứ lỗi, chè này còn đang trong thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật, không thể sử dụng được. Gia đình tôi thành thật xin lỗi mọi người. Nữ phiên dịch nhắc lại. Run run. Vợ ông ngồi thụp bên đống chè cháy, nước mắt sụt sùi: Ôi giời ơi… gần sáu chục cân chè của tôi thành than hết rồi. Ối giời đất ơi, tiền trả nợ ngân hàng của tôi…! Khách cảm thấy khó xử. Vài người vỗ tay cảm ơn. Tiếng vỗ tay nhát gừng lốp bốp vô duyên giữa tiếng khóc. Đám phụ nữ ục ịch tỏ ra đồng cảm với bà Mến (Mến là tên vợ ông). Họ dìu bà khỏi đám tro lửa.
Anh con út đỡ mẹ ngồi xuống, rồi gắt lên:
– Bố vừa đốt đi hai chục triệu đấy. Cuối tháng đến hạn, chỉ còn nước bán nhà trả nợ ngân hàng.
– Dù bán nhà đi ăn mày cũng không được làm thế. Thất đức lắm.
Không được sao. Cả xóm người ta bán chè vừa phun thuốc sâu kia kìa. Bố không bảo, ai biết trà đang cách ly. Giờ họ đi mua chỗ khác, cũng vậy thôi. Bố làm khổ mẹ con con đến bao giờ nữa.
Ừ, khổ thật. Nhưng là cái khổ nhẹ nhàng, thanh thản.
– Bố khùng mất rồi.
Anh con út chạy về phía đầu nhà rồi nhảy ủm xuống ao. Đàn vịt nháo nhác.
Người dẫn đoàn nhanh chóng tổ chức cho khách lên xe. Anh con thứ bỏ sang hàng xóm. Vợ ông vớ lấy cái liềm, dúm dó đi về phía đồi Nón, như một người mộng du.
Ông Thuận cời đống tro tàn. Lòng ông nhẹ bẫng, phiêu theo những tàn trà như những ngôi sao đen lơ lửng giữa không trung. Ông ngồi như vậy, không nhớ là suy nghĩ gì, trong lành lắm, đến khi mặt trời không còn cháy.
Bẵng đi bốn tháng sau, ông nhận được cùng lúc hai phong thư, một to, một nhỏ. Cái to đựng tấm ảnh chụp ông đang đổ chè vào đống lửa và một lá thư bằng tiếng Anh. Ông sang nhờ cái Hoa hàng xóm dịch hộ. Đại ý, người gửi tên John, bức ảnh John chụp có tên “Trà cháy” đã giành giải nhất cuộc thi ảnh quốc tế với chủ đề tình yêu cuộc sống. Dưới bức ảnh là dòng chú thích: Ông Thuận, một nghệ nhân làm chè ở Việt Nam, đã đốt hết số trà xanh mà vợ con ông định bán cho khách du lịch vì chúng có thể gây hại cho sức khỏe. Trong thư cũng nói, với lòng trân trọng của mình, tác giả bức ảnh gửi tặng ông một nửa số tiền thưởng, tức hai nghìn đô la. Phong thư thứ hai là giấy mời lên bưu điện lĩnh tiền từ nước ngoài gửi về.
Truyện ngắn Phổ Sơn