Giao thoa nghệ thuật gốm trà Việt Nhật

Gốm trà của Việt Nam đã được du nhập vào Nhật Bản từ sớm và được yêu chuộng, ngưỡng mộ và sao chép, nó cho thấy Giao thoa nghệ thuật gốm trà Việt Nhật gần gũi.

  1. Sơ lược gốm trà cổ Đại Việt

Trà đạo Việt thành hình vào đời nhà Ðường, theo các nhà sư Phật giáo và Giao Châu. Sách Trà Kinh của Lục Vũ nhập đề rằng “trà là loài cây lớn ở phương nam”. Chứng tích trà đạo Việt còn lưu lại trên những bình bát trà gốm Việt Dao từ thời bắc thuộc, lên đến tột đỉnh thời Phật giáo Lý, Trần. Ðạo trà Việt cổ là đạo mà không đạo, đạo vô môn quan: không cửa vào, không lối ra.

ấm tử sa cổ

Từ thuở triều Hán, Ðường, Tùy sứ ta đã chế được thứ gốm tên gọi Việt Dao. Gọi tên như thế để chỉ thứ “men tro” trổ mầu xanh biếc như ngọc cổ. Sách Tàu chép Việt Dao phát sinh từ Nam Việt miền Ngũ Lĩnh, chứ không nói rõ đất Giao Châu, Cửu Chân. Di chứng khảo cổ học, trên đất ta nay tỏ rõ thời ấy ta đã làm được gốm Việt Dao, mà lại làm một số lượng rất lớn, khởi từ những giọt men xanh nhiễu đọng trên thân gốm, mà nay xếp vào loại gốm “Hán bản địa”.

Từ mầu xanh bích ngọc đời Bắc thuộc đến mầu xác trà đời Lý, Trần, những bát trà Việt ra đời song song bát trà Ðường, Tống bên Tàu. Người Việt vẫn trung thành sở thích sắc mầu Việt Dao của dân tộc đến mãi thế kỷ 15. Hóa ra Việt Dao là chữ gọi dân tộc ngày nay ta vẫn mang tên, là người chế ra men gốm tiền thân gốm men ngọc (proto-celadon) lừng lẫy Ðông phương.

Ðời Lý, Trần đã làm ra rất nhiều các thứ liễn, bình đựng nước pha trà đi đôi với các loại bát trà mang thần thái đặc thù Ðại Việt. Bình trang hoàng tòa sen chạm nổi, âu bát vóc dáng chẳng khác nào bình bát các tăng sư. Làng nào cũng có đình chùa. Bát trà cũng là vật không thể thiếu được trong các đồ tế nhuyễn bày trên điện thờ, cũng như cúng vào chùa chiền để các sư uống trà. Nghệ phẩm từ các làng gốm như chở chuyên hồn đạo, tiếng chuông mõ sớm hôm, mùi trầm nhang quyện trong không gian lũy tre làng trên đất nước.

Thiền gốm Lý, Trần đã mang cung cách rất Việt Nam. Văn bia đời Lý do sư Pháp Ký soạn cho thầy là sư Tịnh Thiền ghi rằng “Chỗ uống trà là chỗ thập phương thí chủ dồn về”. Chỗ uống trà tức là cửa Phật. Nay ngắm những trà khí cổ, ta mới biết phép uống trà Việt lồng trong thiền vị từ thuở đầu dựng nước, đưa hình sắc của tâm linh đến cả đại chúng. Nhưng cũng có bằng chứng Giao thoa nghệ thuật gốm trà Việt Nhật.

  1. Con đường Giao thoa nghệ thuật gốm trà Việt Nhật

Tại nền chùa cổ Dazaifu Kanzeon-ji người ta đào được những mẫu gốm vỡ của bát trà Ðại Việt đời Trần, kề bên mảnh ván mục còn đọc được vết mực ghi niên đại tương đương năm 1330. Trước đó, đã có những trà khí Ðại Việt xưa hơn vào chốn tăng đường Nhật.

Cũng như Ðại Việt, bấy giờ Phật giáo Nhật bén rễ vào giới thế quyền. Tăng sư là khách quý của các sứ quân và bọn phú hào. Họ học Phật rồi tiêm nhiễm luôn đạo thưởng trà. Uống trà nhằm luyện con người khu trừ những chướng ngại phiền não, để đạt chỗ rốt ráo của an bần lạc đạo, hòa đồng với Tự Nhiên, tức là Chân Như.

Uống trà, hành trà đạo phải có các trà khí mà ngành gốm Nhật bấy giờ rất phôi thai. Nên trà gốm từ Cao Ly, Trung Quốc, Ðại Việt đưa sang giá đắt, chỉ giới hạn trong hàng sứ quân và đại phú. Thay vì hấp thu nếp thanh bần, họ bèn mượn trà đạo làm trò trà dư tiêu khiển, đặt ra các quy tắc kiểu cách (Cha No Yu), muốn vào phải qua cổng Hữu Môn Quan. Trà đã đưa thiền vị đạm bạc vào trú ngụ chỗ đền các xa hoa.

Còn bên nước Việt, đạo đã từ cung cấm ra đi, bỏ phú quý phù vân để phiêu bồng nơi cảnh thật của “rừng trúc lắm chim” (Trúc lâm đa túc điểu) như thơ ngài Huyền Quang. Các vua Lý, Trần bỏ kinh về núi, thực hiện hạnh tầm đạo dẫm theo bước của thái tử Tất Ðạt Ða. Lấy cảm hứng từ mầu xanh xác trà Việt Dao (proto-celadon), gốm Trung Quốc tiến hóa thành mầu men ngọc xa hoa. Trong khi nước Việt vẫn chuộng giữ mầu xác trà “thuận tự nhiên” cốt cách đạm bạc của tổ tiên.

Khi các trà sư Nhật ra tay đón nhận bát trà Việt ấy, con mắt trong tâm hồn họ như thoát nhiên thể ngộ được ấn chỉ tâm truyền ấy. Suốt mấy thế kỷ, Nhật đã tìm thấy nơi Ðại Việt của nhà Lê nguồn cung cấp tơ sống và gốm sứ.

  1. Đỉnh cao nghệ thuật gốm trà Việt Nhật

Lúc này Ðại Việt đã làm sứ vẽ lam. Gốm sứ trà Việt nhập vào Nhật Bản nhiều hơn trước, đóng vai trò quan trọng trong nghệ thuật trà đạo Nhật Bản đang hồi cực thịnh. Không gò gẫm tỷ mỷ như bàn tày nghệ nhân đời Minh, mấy nét đơn sơ trên gốm Việt phóng bút cảnh chim trời, cá nước, sơn thủy, tùng thạch. Di sản tranh cổ họa Việt Nam ngày nay chừng như có thể thấy trên gốm cổ.

Nhật Bản là một dân tộc hoài cổ và có khiếu thẩm mỹ từ những vật nho nhỏ. Ngày nay trong các viện bảo tàng khắp nước này trân quý giữ những món trà khí Việt từ đời Lý – Trần – Lê – Mạc đã liên tục đến Nhật Bản qua bao thế kỷ. Trong hậu sảnh những thiền viện xưa, còn cất giữ những đồ tế nhuyễn và trà khí làm bởi những nghệ nhân vốn là người mộ Phật ở xứ Việt xa. Và trong lâu đài cổ, truyền thừa các sứ quân và giới phú hào ngày nay còn gia truyền các bộ gốm sứ Việt Nam làm báu vật.

Dòng trà gốm đầu tiên Raku đã mang dáng bát trà Lý, Trần. Về sau truyền thừa dòng gốm này và các trường phái khác thường mô phỏng theo mỹ thuật gốm nước ta. Họ gọi là Annam Yaki để chỉ cho dòng gốm hoa lam của lò Chu Ðậu, Bát Tràng ở Ðàng Ngoài thời Lê, Mạc; và Kochi Yaki, tức gốm Cochin China xứ Quảng Nam Ðàng Trong của chúa Nguyễn về sau.

0/5 (0 Reviews)

Related posts

Call Now Button