Bài thơ Dâng trà của Nguyễn Quang Thiều
Trong chuyên mục Trà và thi ca: Bài thơ Dâng trà của Nguyễn Quang Thiều, mời độc giả thưởng trà và thưởng thơ. Đây là bài rất hay về tình cảm cha con.
-
Bài thơ Dâng trà
Dâng trà
Thưa cha, con đã dâng trà
Chiều quê một nửa mái nhà nắng đi
Làng nghèo ngồi đếm chim ri
Con nghèo con đếm thầm thì trong mơ
Con sao tìm lại ấu thơ
Mà roi cha vẫn gác hờ mái hiên
Con từng ba dại bảy điên
Chén trà con rót tràn niềm đắng cay
Phận con nhàu trọn lòng tay
Một câu thơ bạc một ngày vô ơn
Chén trà, con có gì hơn
Mời cha rồi nuốt tủi hờn sau cha
Thưa cha, con đã dâng trà
Sao cha im lặng như là bóng mây
Để hồn trà khuất đâu đây
Xác trà lạnh ngắt đổ đầy lòng con.
Dưới đây là lời bình của Trương Nam Chi bình Bài thơ Dâng trà của Nguyễn Quang Thiều
Hình ảnh một người đàn ông giữa bốn bề không gian vắng lặng, kèm theo nỗi xót xa tiếc nuối trong tim và những giọt nước mắt đang cố kìm nén lại, để rót một chén trà dâng lên vong linh cha mình với tấm lòng thành kính đã hiện lên trong tâm trí người đọc ở ngay câu thơ đầu tiên: “Thưa cha con đã dâng trà”…
Vâng, ấm trà này chắc hẳn người cha đã dùng khi ông còn sống suốt bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông, vào những buổi ban mai trước lúc chuẩn bị cày cuốc ra đồng, hay những buổi chiều tối sau khi ăn cơm xong, người cha thưởng ngồi trầm ngâm, nhấp từng ngụm nhỏ, thưởng thức, để suy tư về chuyện nhân tình thế thái, thì nay đã được người con trai, bằng những động tác cẩn trọng, rót ra trong mờ ảo khói hương với lời mời nhẹ nhàng, thầm thì như sợ làm lay động vong linh của người đã khuất:
Thưa cha con đã dâng trà
Chiều quê một nửa mái nhà nắng đi
Làng nghèo ngồi đếm chim ri
Con nghèo con đếm thầm thì trong mơ
Tôi chưa có may mắn được tới Làng Chùa – Miền quê đã sinh ra Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Một địa danh đã trở nên nổi tiếng trong nước và cả quốc tế, vì có một giải thưởng Thơ độc nhất vô nhị: Giải Thơ Làng Chùa, do anh khởi xướng và tổ chức rất thành công.
Nhưng một cảm xúc vừa thân quen, vừa lạ lẫm, cứ trào dâng chạy dọc sống lưng. Tôi hình dung vẫn là muôn thuở chiều quê ấy, nhưng người cha thì không còn nữa. Cái màu nắng của làng quê với những mái nhà tranh và khói bếp rạ rơm khiến cho lòng người con trai quặn đau và rưng rưng thổn thức. Người con đang tâm sự với cha về những ký ức, hay nói với chính mình về hoài niệm của một làng quê nghèo khó, đan xen với những ước mơ của thời thơ ấu yên bình mà nay đã trở thành dĩ vãng xa xôi…
Con sao tìm lại ấu thơ
Mà roi cha vẫn gác hờ mái hiên
Con từng ba dại bảy điên
Chén trà con rót tràn miền đắng cay
Những người cha thường nghiêm khắc với những cậu con trai thông minh và nghich ngợm. Giờ phút này bên bàn thờ cha, người con như muốn trở lại với ký ức quá khứ thơ bé, dại khờ của những ngày chăn trâu, thả diều trên cánh đồng lộng gió? Có thể rằng sau khi cha mất, ngọn roi tre một thời dùng để răn dạy con nên người, vẫn còn gác “hờ” trên mái hiên góc bếp.
Nhưng đó lại chính là tất cả tình thương yêu mà cha gởi gắm lại cho con trên thế gian này. Cái roi tre nhỏ bé kia có thể là xa lạ với những cậu ấm cô chiêu thời hiện đại, nhưng lại rất quen thuộc và trở nên một vật thân thương đối với tất cả những đứa trẻ miền quê nghèo khó khi xưa. Cây roi tre kỷ vật ấy mang một khát vọng rất lớn của các bậc sinh thành mong ước cho những đứa con của mình sau này lớn lên được trở thành người có ích cho gia đình và xã hội…
Bên vong linh người cha quá cố, người con như muốn tự kiểm điểm lại hay muốn thổ lộ cùng cha về những khúc đường đời “ba dại bảy điên” của mình, để bây giờ trong sâu thẳm chén trà anh dâng cha lại ngập “tràn miền đắng cay” như thế? Đó là sự hối lỗi với vong linh cha cùng với bao“cay đắng” cuộc đời sau khi rời vòng tay cha, mà anh đã từng nếm trải?
Phận con nhàu trọn lòng tay
Một câu thơ bạc một ngày vô ơn
Chén trà, con có gì hơn
Mời cha rồi nuốt tủi hờn sau cha
Không cần những ngôn từ hoa mỹ, bóng bẩy nhằm đánh đố người đọc, mà qua từng câu, từng chữ của bài thơ, người đọc thấm thía đến tận cùng gan ruột với những giọt nước mắt lăn dài… Đời cha cực khổ gian nan, đến lúc nhắm mắt xuôi tay, cũng không thể đem theo được bất cứ thứ gì dù người con có muốn. Thì đây, chỉ còn có chén trà sóng sánh khi xưa “dâng cha” với tấm lòng của người con hiếu thảo, kèm theo một nỗi đau không thể nói thành lời được nén sâu tận đáy lòng. Con dâng chén Trà Thái Nguyên cho cha, để hứa với cha, cũng như tự dặn mình phải sống sao cho lương tâm không bị dằn vặt, để biết rõ rằng “một câu thơ bạc một ngày vô ơn”
Thưa cha con đã dâng trà
Sao cha im lặng như là bóng mây
Để hồn trà khuất đâu đây
Xác trà lạnh ngắt đổ đầy lòng con.
Thưa cha, trà đã nguội dần, mà sao cha vẫn mãi “im lặng” nhìn con như thế. Hồn cha đã khuất vào hồn trà, để “xác trà lạnh ngắt” hay chính lòng con tái tê lạnh giá vì thương nhớ cha?
Bài thơ “Dâng trà” đã đem đến cho người đọc một nỗi thấm thía khôn cùng về sự mất mát chia ly. Cảm ơn tác giả đã cho người đọc được men theo nỗi lòng đau đau xót xa của một người đàn ông khi anh tái hiện lại cảnh “dâng trà” cho cha trong một buổi chiều trở về nhà tâm tình cùng cha đong đầy nước mắt, Một nỗi dằn vặt đớn đau không thể lấp đầy mà bất cứ ai được thưởng thức bài thơ này đều có thể cảm nhận được.
Trước đây, bạn đọc đã biết đến Nguyễn Quang Thiều với những truyện ngắn đầy chất thơ, những tiểu thuyết nhiều kịch tính và chính luận, đặc biệt là những bài thơ tự do, đậm tính triết lý hiện đại… Nhưng với “Dâng trà” người yêu thơ Lục bát đã bị chinh phục, bởi cái “hồn quê” rất riêng của anh.